3. Chiến lược cạnh tranh trong ngành bão hòa
Bão hòa là trạng thái khi ta đạt tới một ngưỡng mà có cho thêm ở đầu vào cũng không làm tăng đầu ra. Ví dụ như nếu ta cho thêm muối vào nước muối bão hòa thì muối không thể tan được mà lắng xuống đáy.
Tương tự, một ngành bão hòa là khi mà chiếc bánh đã đạt tới mức tối đa. Cho dù có thêm các doanh nghiệp mới hay là tăng cường các hoạt động quảng cáo thì chiếc bánh vẫn cứ thế.
Lúc này doanh nghiệp đã đạt tới sản lượng tối đa, doanh thu có thể cũng đang ở trạng thái tối đa; DN hoặc là chiếm miếng bánh của công ty khác hoặc là tìm cách tăng trưởng lợi nhuận với doanh thu đang suy giảm. Nếu giá bán ra đã không thể tăng được nữa thì chỉ còn cách là giảm chi phí đầu vào.
Chiến lược của DN này chủ yếu là kết hợp theo chiều dọc. Doanh nghiệp sẽ liên kết, mua bán và sát nhập các đầu vào của mình mà tạo lên sản phẩm đó. Bất cứ DN nào cũng phải mua một cái gì đó ở đầu vào, đó có thể là nguyên liệu, là một phần cấu tạo lên sản phẩm; nếu như DN mua các DN này thì họ sẽ chiếm phần lợi nhuận của DN đó.
Các siêu thị rất hay làm điều này bằng cách tạo ra nhãn hàng của riêng mình thông qua việc mua các công ty nhỏ mà có thể trước đó vẫn đang cung cấp hàng cho họ. Họ có thể tự trồng lấy rau, tự nuôi gia cầm, tự làm đường, tự sản xuất nước ngọt,….
Khi mua đầu vào thì DN cũng đạt được lợi ích đó là ngăn chặn đối thủ. Ví dụ nếu như một DN cung cấp bo mạch điện thoại cho cả hãng Samsung lẫn Lenovo thì nếu như Samsung mua lại DN đó thì Lenovo khả năng sẽ phải mua giá cao hơn, không tự chủ được nguồn hàng,…
DN cũng có thể mua kênh đầu ra của họ. Ví dụ như nếu như DN thuê một công ty làm phân phối sản phẩm của mình, hoặc có một công ty có doanh số lớn ở một địa phương nào đó. DN có thể mua lại các công ty này để chiếm lợi nhuận ở phía đầu ra.
4. Chiến lược cạnh tranh trong ngành suy thoái
Rồi tới một ngày xấu trời ngành cũng sẽ rơi vào suy thoái, biểu hiện của nó là thị trường bị thu hẹp lại với tốc độ rất nhanh. Ví dụ như khi Smart Phone thay thế điện thoại cùi bắp bình thường thì điện thoại cùi bắp rơi vào trạng thái suy thoái trong khoảng 3 năm tới khi mà điện thoại Smartphone trở nên quá rẻ. Tới ngày nay thì vẫn có một số người có nhu cầu với điện thoại cùi bắp nhưng rất ít. Tương tự, ngày nay ta sẽ rất khó nhìn thấy một màn hình CRT bày bán ngoài siêu thị vì nó đã được thay thế bằng màn LCD.
Biểu hiện tại giai đoạn này ngành trở nên kém hấp dẫn; các đối thủ mới sẽ không còn xuất hiện nữa; các công ty lớn sống nhờ quy mô giờ khi không thể bán nhiều cũng đang muốn rời khỏi ngành. Các công ty nhỏ không thể nhặt được vụn bánh rơi vãi nào cũng đã chết.
Lúc này DN có thể theo các chiến lược sau:
– Nhanh chóng trở thành DN dẫn đầu: vì lúc này đối thủ lớn đã rời, đối thủ nhỏ đã mất nên DN với tiềm lực giới hạn có thể dẫn đầu ngành để chiếm hết miếng bánh đang thu hẹp.
– Tìm kiếm và chiếm phân khúc thị trường mà ở đây sự suy giảm diễn ra chậm. Ví dụ như ngành sửa xe đạp suy giảm cùng với việc người dân chuyển sang dùng xe máy. Tuy nhiên vẫn có một bộ phận người dân đi xe đạp vì nhiều lý do, các xe đạp này thường là khá đặc biệt và cũng rất đắt. Cửa hàng sửa xe đạp có thể chuyển sang phục vụ những người này với điều kiện là họ có thể sửa, cũng như có phụ tùng thay thế cho những loại xe đắt tiền đó.
– Chiến lược thu hoạch: DN sẽ cắt giảm mọi chi phí mà trước đó dùng để phát triển thị trường, phát triển sản phẩm mới liên quan tới ngành đó ví dụ như phòng nghiên cứu phát triển, phòng marketing và bán hàng,…Dòng tiền ra sẽ giảm nhanh hơn dòng tiền vào nhờ vậy mà DN tối ưu hóa được dòng tiền. Để làm được điều này DN phải dự đoán được từ trước khi ngành bắt đầu rơi vào suy thoái.
– Chiến lược rút lui: Càng nhận biết sớm được sự suy giảm của ngành thì càng có thể bán doanh nghiệp đó với giá hời. Ví dụ nếu như Sony bán phần máy tính xách tay cách đây 2 năm thì chắc giá sẽ cao hơn là hiện nay khi mà việc KD đã khó khăn hơn trước rất nhiều. Khi ngành đã bước vào suy thoái sâu thì DN tốt nhất là bán cho DN đang theo chiến lược muốn trở thành dẫn đầu ngành suy thoái.
Tóm tắt chiến lược theo vòng đời ngành
1. Chiến lược tại giai đoạn mới xuất hiện (đương nhiên vị thế thấp)
– Tự phát triển và tiếp thị sản phẩm để thâm nhập thị trường
– Liên doanh liên kết
– Rút lui
2. Chiến lược tại giai đoạn trưởng thành của ngành
– Ngăn cản sự gia nhập ngành
– Cạnh tranh giá
– Chiến lược cạnh tranh phi giá: Thâm nhập thị trường, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, phát triển chủng loại sản phẩm
3. Chiến lược cạnh tranh trong ngành bão hòa
– Kết hợp theo chiều dọc: về phía trước hoặc phía sau để tăng doanh thu
4. Chiến lược cạnh tranh trong ngành suy thoái
– Nhanh chóng trở thành DN dẫn đầu (nếu chưa phải là dẫn đầu)
– Tìm kiếm những vùng còn bỏ trống
– Thu hoạch
– Rút lui
Nguồn: chienluocsong.com